Cách cầm bút cho trẻ: Hướng dẫn chi tiết giúp con viết chữ đẹp
Việc dạy bé cách cầm bút sao cho đúng ngay từ nhỏ rất quan trọng. Bởi chữ viết sau này của bé sẽ được quyết định bởi tư thế cầm bút của con. Khi cầm bút đúng cách, con sẽ tránh được những tác hại như tư thế viết không chuẩn, đau tay, mỏi cổ, mỏi mắt… Vì thế, khi đến giai đoạn học viết chữ, bố mẹ hãy tìm hiểu và hướng dẫn cách cầm bút cho trẻ sao cho chuẩn nhất. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để con có thể thực hành đúng chuẩn ngay từ đầu, không bị mắc phải cách cầm bút sai.
Nội dung chính
1. Cách cầm bút đúng chuẩn cho trẻ
Tư thế cầm bút đúng là tư thế mà cánh tay, cổ tay và bàn tay tạo thành một đường thẳng. Cách cầm bút đúng như sau:
Tay cầm bút:
– Sử dụng 3 ngón tay là ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa để cầm bút. Ngón cái và ngón trỏ tạo thành một vòng tròn quanh bút, ngón giữa và ngón áp út hơi cong tựa vào bút, ngón út duỗi tự nhiên. Dùng ngón cái và ngón trỏ giữ hai bên thân bút, ngón giữa đỡ lấy bút.
– Khoảng cách giữa các đầu ngón tay của trẻ và bút nên từ 2 – 3 cm.
– Trong trường hợp trẻ cầm bút vuông góc 90 độ, bố mẹ phải chỉnh lại cho con ngay lập tức, tránh để con tạo thành thói quen khó bỏ. Bút nên được để nghiêng về phía vai phải một góc khoảng 60 độ. Hãy lưu ý với con rằng con nên viết nhẹ nhàng, không ấn hoặc đè mạnh bút xuống giấy. Việc này sẽ khiến các nét bút được viết ra không còn thanh, gọn và đẹp.
Cách cầm bút viết chữ đẹp cho bé
Cổ tay và bàn tay:
Cổ tay và bàn tay tạo thành một đường thẳng, không bị gập. Trẻ nên dùng mép bàn tay làm điểm tựa của cánh tay khi viết. Các ngón tay và cổ tay của con sẽ không bị mỏi trong trường hợp con cần viết nhiều, viết lâu.
Vai và cánh tay:
Vai và cánh tay thả lỏng, không căng cứng. Nếu con viết lâu trong tư thế không được thả lỏng, bả vai và cánh tay của con dễ bị căng và tê mỏi.
2. Những điều cần lưu ý khi dạy trẻ cầm bút
- Dạy trẻ cách cầm bút sớm:
Trẻ nên được dạy cầm bút từ sớm, khoảng 3 – 4 tuổi. Khi bắt đầu biết cầm nắm đồ vật, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ tập cầm bút bằng cách để trẻ cầm bút chì và vẽ các đường thẳng, cong đơn giản.
- Ngồi với tư thế đúng ngay từ đầu:
Tư thế đúng là tư thế thẳng lưng – vuông góc với mặt ghế ngồi, giúp trẻ có được khoảng cách từ mắt đến vở là 25 – 30cm, hai chân thoải mái. Tay trái của trẻ xuôi theo chiều ngồi, giữ vở để tránh bị lệch.
Việc nắn cho trẻ có được tư thế ngồi chuẩn không phải là điều dễ dàng. Vì ở độ tuổi nhỏ, trẻ năng động và thích di chuyển nhiều. Tuy nhiên, khi được bố mẹ hướng dẫn trong một khoảng thời gian, trẻ có thể thích nghi rất nhanh.
- Tập viết theo mẫu:
Hãy cho con tập viết theo mẫu thường xuyên. Con không những rèn được sự tập trung, tính kiên trì mà khả năng viết của con cũng sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Đồng thời, việc luyện viết theo mẫu giúp bé tránh được những lỗi sai không đáng có, hình thành nên thói quen viết chữ đúng.
Tập viết theo mẫu là một phương pháp giúp trẻ luyện tập cầm bút đúng cách
- Kiên nhẫn và kiên trì:
Bố mẹ cần kiên nhẫn và kiên trì khi dạy trẻ cầm bút. Trẻ có thể mất một thời gian để làm quen với cách cầm bút đúng chuẩn. Bố mẹ không nên quát mắng hay ép buộc khi trẻ cầm bút chưa đúng. Bởi con sẽ sinh ra tâm lý phản kháng và cảm thấy chán nản khi phải học cách cầm bút. Điều này dẫn đến kết quả đạt được sẽ không khả quan.
- Khuyến khích và động viên trẻ:
Những lời khuyến khích, động viên của bố mẹ luôn là phần thưởng tuyệt vời cho con. Khi con cầm bút đúng cách và viết đẹp hơn, bố mẹ nên tặng cho con những lời khuyến khích để con cảm thấy vui vẻ, hứng thú hơn trong quá trình này.
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ:
Nếu con chưa làm quen được với cách cầm bút, bố mẹ hãy cho con sử dụng một số công cụ hỗ trợ để quá trình này trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như bút cầm tay, cốc định hướng bút…
Công cụ hỗ trợ con cách cầm bút đúng, không bị đau tay
- Tập luyện thường xuyên:
Bố mẹ nên cho trẻ luyện tập cách cầm bút thường xuyên, liên tục. Từ đó để trẻ hình thành thói quen và cảm thấy cầm bút viết không phải là việc quá khó khăn. Nếu trẻ không thực hành thường xuyên, tay của chúng sẽ mất rất nhiều thời gian để quen với tư thế cầm bút.
- Chuẩn bị bút và vở:
Bên cạnh vấn đề cách cầm bút, tư thế cầm bút thì việc chọn bút và vở viết cũng cần được quan tâm. Nên chọn loại bút chì có độ mềm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Vì tay con còn nhỏ và yếu, bố mẹ nên chọn cho con những chiếc bút vừa tay và trọng lượng nhẹ. Tránh chọn bút nặng và to, con sẽ gặp khó khăn trong việc cầm bút. Lưu ý, phụ huynh cũng có thể chọn những chiếc chì khi con mới tập cầm bút. Có nhiều loại bút chì thích hợp với trẻ, như: bút 2B, HB… Những chiếc bút này không quá cứng, con có thể rèn được cả nét thanh nét đậm.
Vở nên có ô ly vừa phải, giúp trẻ viết chữ thẳng hàng và đều đặn. Bố mẹ nên mua vở 4 ô ly cho trẻ, có kẻ ngang và kẻ dọc. Với dạng vở này, bé có thể dễ dàng điều chỉnh độ cao và độ rộng của các con chữ. Ngoài ra, vở nên có giấy trắng, dày dặn. Như vậy, khi bé viết sai và cần tẩy hay chỉnh sửa sẽ không bị rách.
Việc hướng dẫn con cách cầm bút đúng chuẩn mang lại cho chúng khá nhiều lợi ích. Đó là giúp trẻ viết chữ đẹp và dễ dàng hơn, ngăn ngừa các vấn đề về sức khoẻ tay, cổ tay, xương sống, bả vai; tạo thói quen tốt cho trẻ. Do đó, bố mẹ cần lưu ý dạy trẻ cầm bút đúng chuẩn để hỗ trợ con phát triển kỹ năng viết ngay từ giai đoạn tiền tiểu học.